Cần Thơ xây dựng thành phố thông minh, hiện đại

TP Cần Thơ đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, hiện đại của vùng ĐBSCL.
 
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh. Nhiều ý kiến cho rằng, Cần Thơ cần phải định hướng xây dựng thành phố thông minh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Để thực hiện được vấn đề này, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Đảng bộ và chính quyền thành phố, với các giải pháp hiệu quả...

Hiện đại hóa hành chính công...
 
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, kết quả hiện đại hóa hành chính của thành phố thời gian qua khá tốt. Công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 của thành phố đạt được kết quả khá toàn diện, đạt 8/9 mục tiêu đề ra. Trong đó, kết quả nổi bật nhất là triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa hoạt động hành chính của bộ máy nhà nước thành phố. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh của TP Cần Thơ có những tiến bộ rõ qua các năm; nếu như năm 2013 đứng thứ 12 thì đến năm 2015 đứng thứ 5/63 tỉnh, thành. Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh của thành phố cũng ở mức khá so với các tỉnh, thành; năm 2015 đứng thứ 18. Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước cơ bản đồng bộ theo mô hình tập trung; các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản được cung cấp đầy đủ, ổn định; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành từng bước được mở rộng; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp có kết quả tích cực… Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như các ứng dụng triển khai còn rời rạc nên khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu gặp nhiều khó khăn; chưa có các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho dữ liệu dùng chung để hỗ trợ cho việc tác nghiệp, tích hợp, phân tích ra quyết định quản lý. Ngoài ra, còn nhiều rủi ro để phát triển bền vững (sự quan tâm, kinh phí duy trì, thủ tục đầu tư…); sự tương tác trực tuyến của doanh nghiệp, công dân với chính quyền còn hạn chế; an toàn thông tin chưa đảm bảo.
 
Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất phương hướng quản lý đô thị thông minh hơn của TP Cần Thơ. Theo đó, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ cho quản lý đô thị thông minh hơn. TP Cần Thơ cũng chủ động đề xuất và xây dựng hợp phần Nền tảng dữ liệu không gian và các công cụ quản lý đô thị, xã hội thuộc Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác kinh tế Thụy Sĩ tài trợ. Mục tiêu của hợp phần này là xây dựng nền tảng SDI cho TP Cần Thơ để làm cơ sở tích hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu quản lý đô thị thuận lợi và khả năng mở rộng; phát triển hệ thống các phần mềm ứng dụng GIS hỗ trợ tác nghiệp, quản lý và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp… Theo Sở Thông tin và Truyền thông, TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, có nguồn nhân lực chất lượng cao và có tiềm năng trở thành trung tâm khởi nghiệp nên có cơ hội trở thành đô thị thông minh hơn. Mong muốn của TP Cần Thơ là có được đề án tổng thể và được tư vấn chiến lược trong triển khai xây dựng đô thị thông minh: lộ trình đầu tư và lựa chọn công nghệ cho các giải pháp triển khai, cơ chế huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư và phát triển đô thị thông minh, thể chế vận hành và quản lý đô thị với mô hình đô thị thông minh…
 
Theo Giáo sư Kim Hak Min (Đơn vị Tư vấn Hàn Quốc), thành phố thông minh là công cụ cho phát triển bền vững. Xây dựng mô hình thành phố thông minh cho TP Cần Thơ có 3 nội dung lớn là: Chính phủ thông minh (dịch vụ công thông minh, quản lý thảm họa thông minh, ngăn ngừa tội phạm thông minh, giao thông thông minh…); kinh doanh thông minh (nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, dịch vụ thông minh, kinh doanh thông minh, vận tải thông minh…); sống thông minh (mua sắm thông minh, dịch vụ giáo dục thông minh, nghỉ dưỡng thông minh, môi trường thông minh, giải trí thông minh…). Đưa công nghệ thông tin vào ngành nông nghiệp, ngành sản xuất và nhóm ngành dịch vụ… Tin tưởng với sự nỗ lực của thành phố, Cần Thơ sẽ là thành phố thông minh hàng đầu ASEAN, đặc biệt là phát triển về công nghệ…
 
Tập trung xây dựng thành phố thông minh
 
Theo ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, Tập đoàn đã tham gia triển khai thực hiện một số dự án thành phần trong đô thị thông minh ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các dự án trong đô thị thông minh cũng là động lực để Tập đoàn phát triển tiếp theo. Viettel chú trọng phát triển các dự án trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng - an ninh… Tập đoàn đang có hạ tầng tốt để kết nối, thu thập và chia sẻ thông tin dữ liệu; trong khi các địa phương rất quan tâm vấn đề này. Hướng tới, Tập đoàn tăng cường phối hợp với các địa phương, trong đó, có TP Cần Thơ để xây dựng các mô hình dự án mang tính chất khả thi cao…
 
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45, trong đó xác định xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của vùng ĐBSCL, cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết này, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, tạo nên những điểm nhấn phát triển. Song, tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của thành phố đã và đang bộc lộ rất nhiều bất cập như: tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông xuất hiện thường xuyên hơn; công tác quản lý dân cư, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước… vẫn còn hạn chế; phương thức quản lý đô thị của bộ máy chính quyền đang đứng trước thách thức mới… Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ 13, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu là "Xây dựng và phát triển đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…". Qua đó, đặt ra nhiệm vụ cho các cấp chính quyền phải tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai mô hình quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh hơn không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển bền vững của thành phố… Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo nghị quyết về xây dựng, phát triển TP Cần Thơ thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 – 2025 trình UBND thành phố cho ý kiến để trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định. Qua đó, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai đề án xây dựng, phát triển TP Cần Thơ thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 – 2025 trong thời gian sớm nhất...
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh: Sự cần thiết xây dựng đô thị thông minh hiện đại hiện nay là đô thị hóa tăng, hạ tầng lạc hậu và quá tải (điện, nước, giao thông…), cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị và giữa các vùng tăng, đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống (môi trường, giáo dục, y tế, chính quyền…) ngày càng cao. Có 5 mục tiêu phát triển các đô thị thông minh là hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao, môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn, người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền, thành phố phát triển bền vững. Ngoài ra, phát triển đô thị thông minh với 10 nhiệm vụ là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, qui hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững, quản lý xây dựng thông minh, quản lý giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, chính quyền thông minh – doanh nghiệp thông minh, chính quyền thông minh – công dân thông minh, chính quyền thông minh – dịch vụ thông minh (giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải…), nông nghiệp thông minh, quản lý trật tự - trị an thông minh… Thành ủy Cần Thơ cần có nghị quyết về xây dựng TP Cần Thơ thông minh giai đoạn 2016 - 2025. TP Cần Thơ cũng nên mời đối tác Hàn Quốc làm tư vấn trong xây dựng thành phố thông minh. Hàn Quốc có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và rất có tấm lòng với Việt Nam. Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, xây dựng các chỉ số phát triển về kinh tế, về cải thiện môi trường, về sự hài lòng của người dân, chỉ số về phát triển bền vững… để đo kết quả thực hiện hằng năm…
 
Tác giả: ANH KHOA
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ