Đồng hành cùng doanh nghiệp

Doanh nghiệp rất cần thành phố cùng đồng hành.
 
Trong những tháng đầu năm 2016, dù thị trường xuất khẩu vẫn chưa đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, nhưng tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cần Thơ tương đối ổn định. Để hỗ trợ DN hội nhập kinh tế quốc tế, các sở, ngành chức năng của TP Cần Thơ đang nỗ lực tạo môi trường kinh doanh năng động, hỗ trợ DN kết nối cung- cầu hàng hóa trên thị trường.

Còn nhiều khó khăn
 
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong tháng 5-2016, tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với tháng trước, sản phẩm sản xuất đa dạng, các mặt hàng về thực phẩm, đồ uống, bao bì... đều tăng so với tháng trước. Cụ thể, thủy hải sản tăng 3,7%; gạo xay xát tăng 5%; thức ăn cho gia súc tăng 4,7%; bia đóng lon tăng 4,8%; thép không gỉ tăng 4,5% so với tháng trước. Tháng 5, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trên địa bàn thành phố ước thực hiện 8.550 tỉ đồng, tăng 8,79% so với tháng trước, tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 36.584 tỉ đồng, tăng 8,15% so với cùng kỳ, đạt 36,64% so với kế hoạch năm. Trong đó, công nghiệp chế biến ước thực hiện 35.115 tỉ đồng, tăng 8,07% so với cùng kỳ; công nghiệp sản xuất phân phối điện, nước, khí đốt ước thực hiện 1.195,18 tỉ đồng, tăng 9,54% so với cùng kỳ năm trước... Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng ước tăng 17,4% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến ước tăng 5,72%. Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ như sau: công nghiệp chế biến thực phẩm tăng 3,4%; công nghiệp dệt tăng 4,2%; công nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,37%; công nghiệp sản xuất đồ uống tăng 11,02%, sản xuất hóa dược tăng 7,8%.
 
 
  
Kiểm tra sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần May Meko, KCN Trà Nóc. Ảnh: Song Nguyên.
 
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng, nhưng các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của thành phố giảm, do thị trường tiêu thụ tiếp tục gặp khó. Theo Sở Công thương thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 504,1 triệu USD, đạt 30,6% kế hoạch và giảm 7,1% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 403,1 triệu USD, đạt 27,4% kế hoạch năm và giảm 16,1% so cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 101 triệu USD đạt 56,1% kế hoạch năm và tăng 62,5% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo và thủy sản, dù xuất khẩu gạo tháng 5 có tăng nhẹ, nhưng không thể bù đắp lượng sụt giảm của các tháng trước, trong 5 tháng ước thực hiện 239,8 ngàn tấn, đạt 27,9% kế hoạch năm và giảm 24,4% so cùng kỳ, với kim ngạch 99,9 triệu USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ. Mặt hàng thủy sản giảm 7,6% so cùng kỳ về sản lượng, nhưng tăng 3,4% về giá trị, với kim ngạch ước đạt 209 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng giảm trong 5 tháng đầu năm, như may mặc giảm 25,2% so cùng kỳ, da thuộc giảm 30,9%, dược phẩm giảm 23,4%...
 
Nếu so với giá trị thì DN Cần Thơ đang xuất siêu, tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đạt gần 129,8 triệu USD, giảm 35,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do kim ngạch nhập một số mặt hàng giảm: vải may mặc giảm 52,6%, thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 87,1%,… Dù vậy, sự sụt giảm này cũng phản ánh tình trạng "sức khỏe" của DN cũng chưa được cải thiện tốt so với trước. DN vẫn khó khăn về thị trường tiêu thụ, trong khi áp lực tăng lương, tăng bảo hiểm xã hội, chi phí đầu vào tăng… làm DN loay hoay tìm lối ra. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), trong một thị trường toàn cầu hóa như hiện nay, DN Cần Thơ yếu trên nhiều mặt như: nhân lực, tài lực, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý… nên rất yếu thế khi cạnh tranh. Trong nền kinh tế thị trường, DN cần liên kết lại vì đơn lẻ sẽ khó cạnh tranh và mong muốn chính quyền địa phương dành nhiều quan tâm hơn cho DN.
 
Tăng cường hỗ trợ DN
 
Trong những tháng đầu năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam khá sôi động vì các cuộc M&A (mua bán và sáp nhập), nhiều lo ngại thị trường bán lẻ về tay các DN ngoại. Đồng thời, thị trường xuất khẩu cũng đầy thách thức trước sự thống trị của các DN ngoại. Có thể nói, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, dư địa nào cho DN nội là câu hỏi lớn đặt ra cho cả DN và cho ngành chức năng trong việc hỗ trợ DN cạnh tranh thị trường. Để công tác hỗ trợ DN đi vào thực chất, TP Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo PCI và PAPI thành phố do thường trực UBND thành phố làm trưởng ban, thành viên Ban Chỉ đạo là giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận huyện đã trực tiếp theo dõi tình hình hoạt động của DN, nhằm kịp thời gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Đồng thời thành phố còn tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với DN định kỳ hằng tháng để lắng nghe, giải quyết khó khăn cho DN; hỗ trợ DN phát triển thị trường, tiếp cận vốn ngân hàng, ký kết hợp đồng thương mại qua hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, giải quyết các tranh chấp thương mại của các định chế, nhất là lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa.
 
Song, trên thực tế, các chính sách hỗ trợ của thành phố và việc triển khai chính sách hỗ trợ DN của Trung ương trên địa bàn cũng chưa đáp ứng kỳ vọng của DN. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận: "Công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành trong hỗ trợ DN thời gian qua chưa nhịp nhàng, chưa chặt chẽ. DN là nguồn lực phát triển quan trọng của kinh tế thành phố, nên cần có cơ chế, chính sách thông thoáng hơn. Các sở, ngành cần tích cực hơn nữa để hỗ trợ DN". Theo bà Lê Thị Thuyền Quyên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Cần Thơ, thời gian qua, chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn quan tâm tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, gỡ khó cho DN về vốn và hỗ trợ thị trường. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế của thành phố.
 
Theo phản ánh của một số DN, DN rất cần chính quyền thành phố hỗ trợ trong xúc tiến thương mại, kết nối cung- cầu hàng hóa để phát triển thị trường, đồng thời xây dựng thương hiệu. Bởi cạnh tranh hội nhập đang diễn ra gay gắt, DN cần ngành chức năng hỗ trợ để tăng cường khả năng phòng vệ thương mại, giữ vững thị trường nội địa và tăng xuất khẩu. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng nhiều DN trên địa bàn thành phố đã có thị trường ổn định trong nước, nhưng cũng không ít DN đang gặp khó vì chưa có thương hiệu sản phẩm. Vấn đề này các DN đã thấy và đang tập trung để xây dựng. Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, sở đang phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu "Gạo Cần Thơ". Chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ cũng đang phát huy hiệu quả. Cần Thơ hiện có khoảng 30 thương hiệu đang phát triển tốt. Sở cũng đang hướng dẫn cho DN hiểu rõ hơn về rào cản TBT (rào cản kỹ thuật trong thương mại) của các nước nhập khẩu để DN có sự chuẩn bị và phòng vệ tốt hơn khi xuất khẩu hàng hóa. Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, môi trường kinh doanh của thành phố được DN đánh giá có chuyển biến tích cực và năng động hơn, các chính sách hỗ trợ DN thực chất hơn. DN cũng đang chờ đón những cơ hội mới.
 
Tác giả: Song Nguyên
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ