Nâng cao năng lực cạnh tranh

Hàng nông sản ĐBSCL trưng bày tại Hội chợ Công thương ĐBSCL 2016 tại Hậu Giang. Ảnh: ANH KHOA
 
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại xuất khẩu hàng hóa với trên 230 thị trường. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN cuối năm 2015 và ký kết, triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển nhưng thách thức cũng rất lớn. Nhất là việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

 Theo các chuyên gia, thời cơ và thuận lợi mang lại từ hội nhập là rất căn bản nhưng chủ yếu ở dạng tiềm năng, trong khi thách thức hiện hữu, không dễ hóa giải, nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Đối với ĐBSCL, dù có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhưng để phát huy được thế mạnh này cần phải có sự chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển theo hướng "công nghệ xanh". Song song đó, cần đầu tư đúng mức cho các ngành công nghiệp để hỗ trợ phát triển và hiện đại hóa nông nghiệp…

 Nhận rõ việc cần phải có các hành động kịp thời để chủ động hội nhập, thời gian qua các địa phương vùng ĐBSCL đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Tại TP Cần Thơ, để chủ động hội nhập, UBND TP Cần Thơ đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các cam kết "mở cửa" cho các cơ quan hành chính công và doanh nghiệp cũng được chú trọng. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp cùng các cơ quan Trung ương tổ chức hội thảo nâng cao kiến thức pháp luật, cơ chế hợp tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) và lộ trình thực hiện. Thành phố có nhiều chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư như: công khai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh. Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế… để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới, Cần Thơ xác định tới đây tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển đổi xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng chế biến, giảm tỷ lệ sản phẩm thô, sơ chế trong hàng xuất khẩu…

 Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, các địa phương trong vùng đã xây dựng những vùng chuyên canh nông sản với quy mô lớn, sản xuất tập trung. Như tỉnh Long An đã xây dựng vùng lúa chất lượng cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười 40.000ha, vùng trồng thanh long hơn 7.100ha, vùng trồng chanh 6.000ha, vùng trồng rau 10.000ha, vùng nuôi thủy sản 8.600ha…Vấn đề xây dựng thương hiệu để nâng cao chuỗi giá trị nông sản cũng từng bước được chú trọng. Nhiều địa phương đã xem đây là vấn đề sống còn khi hội nhập quốc tế. Lẽ đó, tư duy sản xuất của nông dân và cách làm ăn kinh doanh của doanh nghiệp trong vùng đang có những chuyển biến tích cực, từ số lượng sang chất lượng, hiệu quả và an toàn. Nhà nước cũng vào cuộc với vai trò "kiến tạo" sản xuất, như Hậu Giang để nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh, Hậu Giang đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu và phát triển sản xuất cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như: khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, xoài Cát Ngã Bảy, cá Sặc Rằn…
 
 Có thể thấy rằng, nhiều giải pháp tích cực mà các địa phương ĐBSCL đang triển khai thực hiện đã góp phần thiết thực vào công tác chủ động hội nhập và giúp các địa phương tận dụng được nhiều cơ hội mới trong phát triển cũng như giảm thiểu được các tác động tiêu cực. Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi cần phải có chiến lược chung và các giải pháp tổng hợp chung cho cả vùng, điều này đòi các địa phương cần giải quyết tốt vấn đề liên kết vùng. Liên kết là lối ra duy nhất cho ĐBSCL phát triển và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, tạo sinh kế vững chắc cho nông dân trong vùng. Muốn làm được điều này, ngoài sự cam kết hợp tác, chia sẻ của các địa phương cần cơ chế đặc thù từ Trung ương để giải quyết bài toán hạ tầng cơ sở, nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Tác giả: Khánh Trung
Nguồn: |Báo điện tử Cần Thơ