Cần Thơ vững bước hội nhập phát triển

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ký hiệp định cho các khoản vay và tín dụng trị giá 560 triệu USD.
 
Trung tuần tháng 7, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký hiệp định cho các khoản vay và tín dụng cho 2 dự án trị giá 560 triệu USD. Hai dự án này được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng năng lực chống chịu biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho 1,2 triệu dân sinh sống tại 9 tỉnh ĐBSCL. Riêng TP Cần Thơ, dự án nhằm giảm nhẹ rủi ro lũ lụt, cải thiện kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các khu đô thị mới - theo nhận định của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: "TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân và là trung tâm động lực chính cho việc phát triển bền vững của vùng".

Hơn 1,4 tỉ USD đầu tư cho ĐBSCL
 
Theo đánh giá của NHNN, ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, là vùng kinh tế trọng điểm sản xuất lương thực và thực phẩm, có thế mạnh về phát triển nông nghiệp và thủy sản, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ được xem là trung tâm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của toàn vùng và là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công. Mặc dù vậy, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, tác động rất tiêu cực và nặng nề của biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động không bền vững ở khu vực thượng nguồn sông Mê Công. Đó là thực trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và an sinh xã hội của vùng ĐBSCL, đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội của vùng, qua đó tác động ngược trở lại phát triển kinh tế - xã hội bền vững của cả nước.
 
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư phát triển cũng như có những chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển cho khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Đồng thời, Chính phủ đã vận động và nhận được sự quan tâm, trợ giúp lớn của các nhà tài trợ quốc tế. Hai dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị" và "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL" do WB tài trợ vốn với số tiền 560 triệu USD cho thấy tầm quan trọng của khu vực cũng như sự quan tâm của Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế đối với khu vực này. Qua đó, góp phần nâng tổng giá trị tài trợ của WB cho khu vực ĐBSCL lên hơn 1,4 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, xóa đói giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu…
 
Theo lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, đây là nguồn vốn quí báu, kịp thời bổ sung cho nguồn lực trong nước để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất bền vững, hỗ trợ giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài của vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống cho hơn 17 triệu dân vùng ĐBSCL.
 
Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi được Chính phủ, NHNN Việt Nam, các bộ ngành Trung ương và WB dành sự quan tâm đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, thời gian qua đã triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để trên cơ sở đó các địa phương có điều kiện phát triển. Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển ở khu vực này. Tỉnh An Giang cam kết thực hiện dự án đúng phương án thiết kế, sử dụng vốn hiệu quả và đảm bảo nguồn vốn đối ứng của địa phương để dự án phát huy hiệu quả cao nhất…
 
Cần Thơ cùng ĐBSCL thẳng tiến!
 
Trong tổng số vốn nói trên, 250 triệu USD sẽ dành cho Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị nhằm giảm nhẹ rủi ro lũ lụt và cải thiện kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các khu đô thị mới. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho 420.000 dân sống tại thành phố và giúp chính quyền quản lý rủi ro thiên tai tốt hơn. Dự án triển khai xây dựng hệ thống đê kè, cống và van thoát nước, cải thiện hệ thống thu gom nước mưa và thoát nước và các biện pháp giúp chính quyền thành phố quản lý lũ lụt tốt hơn. Dự án cũng sẽ giúp tăng cường giao thông nội đô và khuyến khích phát triển các khu đô thị mới tại khu vực Cái Răng ít bị lũ lụt đe dọa hơn. Các hệ thống quản lý cũng được tăng cường nhằm cải thiện công tác quy hoạch không gian, quản lý thông tin và số liệu và quản lý tài chính công.
Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống phấn khởi cho biết: Dự án được chính thức ký Hiệp định là cả một quá trình nghiên cứu, chọn lọc toàn diện mà trong đó có sự tham gia tích cực và vô cùng quan trọng của các chuyên gia của WB đối với Cần Thơ. Bao nhiêu công trình, bao nhiêu gói thầu đã xây dựng và hình thành trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn chưa đủ so với nhu cầu phát triển đô thị của thành phố với muôn vàn những điều bức xúc, bất cập vẫn còn tồn tại mà người dân đô thị phải gánh chịu, các cấp lãnh đạo thành phố luôn băn khoăn trăn trở. Thêm một dự án nữa được triển khai, cũng có nghĩa rằng, TP Cần Thơ có thêm một cơ hội mới để phát triển, từng bước khẳng định vai trò "đô thị hạt nhân" của vùng ĐBSCL như lời của Thống đốc NHNN đã chia sẻ - để TP Cần Thơ cùng với ĐBSCL không ngừng nỗ lực phấn đấu "thẳng tiến" trên đường hội nhập phát triển.
 
"Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng như nỗ lực của UBND các tỉnh và TP Cần Thơ, sự hỗ trợ tích cực của WB, 2 dự án sẽ được thực hiện thành công và đạt được kết quả như mong đợi. Qua đó góp phần phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình đa cực, tập trung kết hợp các hành lang kinh tế đô thị, với TP Cần Thơ là đô thị hạt nhân và là trung tâm động lực chính cho việc phát triển bền vững của vùng. Đặc biệt hơn, các hồ sơ thủ tục để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định với số vốn 560 triệu USD được NHNN và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị chỉ trong vòng một tuần lễ, điều này gần như chưa có tiền lệ, cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với vùng ĐBSCL" - Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
 
Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: "Các hiện tượng thời tiết khốc liệt tại ĐBSCL gần đây, bao gồm lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đã tác động tiêu cực lên đời sống người dân trong khu vực - kể cả khu vực đô thị và nông thôn, và trong đó đa số là người nghèo… Chúng tôi tin tưởng những dự án vừa được ký kết sẽ đóng góp cho việc hỗ trợ khu vực thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu" .
 
Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch theo hướng thích ứng với khí hậu cũng như năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu trong quản lý sử dụng nguồn đất và nước. Dự án sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân (nhất là những người sản xuất lúa gạo) ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn vùng châu thổ, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển ở khu vực này, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Đây là dự án quan trọng trong chương trình dài hạn về hỗ trợ khu vực ĐBSCL của WB nhằm phát triển năng lực thích ứng tổng hợp thông qua kết nối các ngành và địa phương nhằm xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu ưu tiên và triển khai các dự án đầu tư có khả năng chống chịu khí hậu. Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị hỗ trợ xây dựng hệ thống đê kè, cống và van thoát nước, cải thiện hệ thống thu gom nước mưa và thoát nước và đề ra các biện pháp giúp chính quyền thành phố quản lý lũ lụt tốt hơn...
 
Ngoài ra, việc triển khai hiệu quả 2 dự án này sẽ giúp tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu đối với các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại khu vực ĐBSCL. Phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các tuyến đường, cầu giao thông; và tăng cường kết nối vùng và phát triển không gian đô thị cho toàn vùng… Từ đó tạo được nền tảng, có được những cơ sở dữ liệu vững chắc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
 
Tác giả: Thiện Khiêm
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ