Cần Thơ vừa hiện đại vừa dân dã trong bộ ảnh ′Dấu ấn Việt Nam′

Thành phố Cần Thơ rực sáng bên bờ sông Hậu, còn được biết đến như một "đô thị miền sông nước"  với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đây là thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam sau TP.HCM và là thành phố lớn thứ 5 của cả nước, đóng vai trò là trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nguyễn Hữu Hồng.

 

Bến Ninh Kiều không những là điểm du lịch nổi tiếng nhất Cần Thơ mà còn là biểu tượng của thành phố, đã xuất hiện nhiều lần trong thơ ca, nhạc họa. Nằm ở hữu ngạn sông Hậu, từ bến Ninh Kiều du khách có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của sông nước hữu tình. Hiện nay khu vực được đầu tư quy mô lớn, xây dựng thành công viên hiện đại, phát triển nhiều loại hình dịch vụ để thu hút thêm du khách. Ảnh: Nguyễn Hữu Hồng.

 
 

Từ bến Ninh Kiều có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ - cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á (550 m), tổng chiều dài gần 16 km, bao gồm 4 làn xe. Cầu bắc qua sông Hậu, có ý nghĩa quan trọng trong giao thông vận tải và thúc đẩy tăng trưởng khu vực Tây Nam Bộ. Ảnh: Tùng Nguyễn Thanh.

 
 
 
 

Để vào trung tâm Cần Thơ, bạn sẽ phải đi qua cầu Quang Trung, nối quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Bên phải là Vinpearl Cần Thơ Hotel - khách sạn 5 sao đầu tiên tại Cần Thơ và cũng là tòa nhà cao nhất đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tùng Nguyễn Thanh.

 
 

Cầu đi bộ du lịch đầu tiên của thành phố Cần Thơ nối liền bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế khánh thành năm 2016, được thiết kế và trang trí đẹp mắt, uốn lượn theo hình chữ S tượng trưng cho đất nước. Ảnh: Nguyễn Hữu Hồng.

 
 

Một góc phố Hoàng Văn Thụ thể hiện nét đặc trưng của đô thị miền sông nước. Hiện nay Cần Thơ đang kè các dòng kênh, con sông tại trung tâm nên bộ mặt thành phố đã đẹp lên rất nhiều. Ảnh: Tùng Nguyễn Thanh

 
 
 
Đài phun nước 9 rồng đại diện cho Cửu Long nằm trong khuôn viên UBND thành phố Cần Thơ. Công trình độc đáo này mở cửa tham quan vào một số ngày Tết Nguyên Đán. Ảnh: Tùng Nguyễn Thanh.
 
 
 

Đêm hoa đăng Ninh Kiều lần đầu tiên vừa diễn ra từ ngày 19-21/8, thu hút hàng nghìn du khách tới Cần Thơ để ngắm nhìn những đèn hoa lung linh sắc màu lênh đênh trên rạch Khai Luông, tham dự các chương trình, trò chơi đậm dấu ấn văn hóa Tây Nam Bộ. Đây hứa hẹn sẽ là lễ hội thường niên hấp dẫn, thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh hơn nữa. Ảnh: Quảng Ngọc Minh.

 
 

Bên cạnh nét hiện đại của một địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ, Cần Thơ vẫn in đậm dấu ấn miền sông nước với những vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông  và những khu chợ nổi tấp nập người mua kẻ bán. Trong ảnh là chợ nổi Phong Điền, nằm ngay ngã ba nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố khoảng 17 km, các mặt hàng vô cùng phong phú. Ảnh: Đỗ Tiến Vững.

 
 

Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Lê Mạnh Linh.

 
 

Chợ họp sớm từ tờ mờ sáng, đến khoảng 8-9h thì vãn. Du khách nên đến vào khoảng 7-8h, lúc chợ nhộn nhịp nhất với khoảng 300-400 ghe, tàu buôn bán, kinh doanh các loại trái cây, nông sản miền Tây. Ảnh: Lê Mạnh Linh.

 
 
 
Trái cây - đặc sản của miền sông nước - là mặt hàng phổ biến nhất chợ nổi Cái Răng, đồng thời đây cũng là chợ đầu mối, phân phối các loại trái cây và nông sản. Ảnh: Lê Mạnh Linh.
 
 
 

Thưởng thức đồ ăn trên các ghe thuyền cũng là nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Nhiều gia đình thương hồ sinh sống luôn tại đây, trên những chiếc ghe như căn hộ di động. Ảnh: Lê Mạnh Linh.

 
 

Chùa Ông ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, là một ngôi chùa của người Hoa gốc Quảng Đông ở Cần Thơ, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc, chùa Ông hầu như còn nguyên hiện trạng ban đầu, là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống từ xa xưa của mảnh đất Tây Đô. Cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam" sẽ nhận bài dự thi đến hết ngày 28/8, kết quả sẽ được công bố từ 2/9 đến 5/9. Mời bạn gửi ảnh tham gia tại đây. Ảnh: Trịnh Quang Minh.

 

Ánh Ngọc