Cần Thơ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

 
Từ tháng 4-2016, TP Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế để nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Trưởng ban Chỉ đạo thành phố, UBND thành phố về chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động của TP Cần Thơ về hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế được chú trọng đã và đang góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng DN, các thành phần kinh tế để hòa nhập và thích ứng tốt hơn trước những thách thức hội nhập.
 
* Nâng cao năng lực cạnh tranh
 
Năm 2016, TP Cần Thơ chọn chủ đề "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế". Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, chia sẻ: Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế sau khi hình thành đã có quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, mỗi cơ quan đều có kế hoạch tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu hội nhập. Sở Công thương luôn xác định việc hỗ trợ cho DN thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Sở chủ động hỗ trợ DN tìm nguồn nguyên liệu chế biến thông qua liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tìm đối tác phân phối sản phẩm, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa dịch vụ; hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa, thực hiện thủ tục hải quan, cấp CO hỗ trợ về mặt thông tin trong các hoạt động kinh doanh có khả năng bị cạnh tranh với DN nước ngoài hay tại thị trường nước ngoài…
 
         
                Xếp dỡ container hàng hóa tại Cảng Tân Cảng - Cái Cui.
           
Các sở, ngành thành phố đã và đang chủ động nắm các nguồn thông tin về hội nhập, các hiệp định thương mại, các nội dung triển khai thực hiện sau khi hiệp định có hiệu lực để cung cấp thông tin kịp thời, giúp DN chủ động tiếp cận và từng bước thích ứng với tình hình hội nhập, giảm rủi ro, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị DN. Nhiều DN ở TP Cần Thơ trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu để quản lý chất lượng sản phẩm từ đầu vào để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường. Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây (West Food), cho biết: Công ty tập trung chế biến xuất khẩu với các loại như ổi, xoài, khóm, đu đủ... Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào theo các tiêu chuẩn quốc tế, công ty đang triển khai hợp tác sâu với nông dân và đầu tư, bao tiêu theo vòng đời của cây trồng. Hiện nay, công ty đang liên kết với huyện Phong Điền để xây dựng vùng trồng khóm nguyên liệu. Theo đó, công ty sẽ nhập khẩu giống khóm từ Nam Mỹ để cung ứng cho nông dân, hỗ trợ về kỹ thuật để nông dân canh tác an toàn. Việc liên kết sẽ đảm bảo đầu ra cho nông dân khi chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khóm và giúp công ty chủ động nguồn cung cho chế biến, gia tăng khả năng cạnh tranh về đầu ra xuất khẩu.
 
TP Cần Thơ đang tập trung vào các hoạt động mời gọi, thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp... Trong 10 tháng đầu năm, TP Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 176,7 triệu USD, điều chỉnh 1 dự án tăng vốn đầu tư 1,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, TP Cần Thơ có 75 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,134 tỉ USD, vốn thực hiện chiếm 32,2% tổng vốn đăng ký. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Nổi bật trong các dự án mời gọi đầu tư vào Cần Thơ trong năm qua có thể kể đến dự án Nhà máy Tae Kwang sản xuất bán thành phẩm giày thể thao, với tổng vốn đầu tư 171,487 triệu USD. Dự án 100% vốn đầu tư Hàn Quốc này được khởi công vào cuối tháng 9 và đang trong quá trình triển khai xây dựng. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động ổn định nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động, với doanh thu hơn 455 triệu USD mỗi năm…
 
* Cơ hội đầu tư, hội nhập
 
Làn sóng đầu tư đang có sự dịch chuyển từ TP Hồ Chí Minh xuống các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là TP Cần Thơ. Thành phố được Trung ương quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông với các công trình quy mô lớn như cầu Cần Thơ, sân bay Quốc tế Cần Thơ, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Cảng Cái Cui... đã tạo cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội hoàn thiện, tạo đà thu hút đầu tư vào Cần Thơ trong đó có các dự án đầu tư về công nghiệp. Đặc biệt, ngày 24-10, chuyến tàu container đầu tiên của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã cập Cảng Tân Cảng-Cái Cui và là chuyến tàu thương mại đầu tiên khai trương luồng Quan Chánh Bố. Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ: Với chuyến tàu container đầu tiên cập Cảng Tân Cảng-Cái Cui, TP Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm tập kết hàng hóa khu vực Tây Nam bộ. Sự kiện này đã đánh dấu mốc son quan trọng khi Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đưa tàu trọng tải lớn đầu tiên qua luồng Quan Chánh Bố trung chuyển hàng hóa của DN ở ĐBSCL trực tiếp đi các vùng miền khắp quốc gia và tiếp đó là sẽ đi trực tiếp ra nước ngoài trong thời gian tới. Luồng cho tàu lớn vào sông Hậu được khơi thông và việc đi vào hoạt động tuyến vận tải tàu container sẽ thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL cùng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng.
 
Khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành, Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư cho nền kinh tế đất nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các quốc gia khác sẽ ngày càng lan tỏa. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh nhân "Tọa đàm về công tác phối hợp và hỗ trợ xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại khu vực phía Nam" diễn ra trong tháng 10-2016 tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến có khoảng 6.000 DN Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam bắt đầu từ năm 2017. Để đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đang bàn bạc, phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau để thành lập văn phòng Japan Desk tại Cần Thơ với sự tham gia của các chuyên gia từ Nhật Bản nhằm hỗ trợ các khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng từ Nhật Bản. Đồng thời, cung cấp thông tin cần thiết về phong tục tập quán của nhà đầu tư, nhu cầu và phương thức dự kiến đầu tư của DN Nhật Bản vào ĐBSCL. Từ đó, Japan Desk kết nối kịp thời và hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư hiệu quả, hạn chế tình trạng tranh nhau trong mời gọi đầu tư. Một khi thu hút được các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp của thành phố cũng có nhiều cơ hội để cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ, hợp tác khai thác các lĩnh vực thế mạnh của mình.
 
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, để chủ động hội nhập điều cần thiết trước nhất là tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo phải đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm của mình để có sản phẩm tốt và luôn luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn chứ không phải chạy theo lợi nhuận trước mắt. Trong thời kỳ hội nhập, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ quyết định sự tồn tại lâu dài của DN. Hội nhập đang đi vào thực tiễn của đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các thành phần kinh tế, trong đó có DN và nông dân phải biết chủ động tranh thủ cơ hội nhằm thu lại lợi nhuận cao hơn.
 
Tác giả: Minh Huyền
Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ